Kiến trúc Đình Tân Ngãi

Bia đình Tân Ngãi dựng năm 2011

Đình Tân Ngãi là một công trình kiến trúc nghệ thuật, mang dáng dấp chung của các ngôi đình làng ở Nam Bộ. Đình tọa lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ và cây kiểng. Mặt tiền của đình hướng ra sông Cái Côn.

Ngôi đình xây dựng theo kiểu xếp đọi, gồm một quần thể với các gian nhà nối liền nhau. Mái đình lợp ngói âm dương. Trên từng đỉnh nóc được trang trí nhiều hoa văn đẹp như: " hóa long", "Lưỡng long chầu nguyệt", "chim phụng", "lân"...bằng sành. Nền đình ốp đá xanh cao ráo, vững chãi.

Ngôi đình gồm 4 gian là võ ca, võ quy, chánh điện và nhà thính. Bên phải trước đình có miếu thờ Bạch Mã Thái Giám [3]. Bên trái trước đình có miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương[4]. Hông bên trái đình là dãy nhà trù gồm 06 gian.

Nội thất ngôi đình được xây dựng bởi một hệ thống các gian nhà nối liền nhau, có nhiều cột tròn bằng danh mộc. Đặc biệt, để mở rộng diện tích nên trong kết cấu bộ khung sườn được thực hiện bằng loại kèo đấm, kèo quyết vươn ra bốn hướng của từng gian. Trên các vì kèo, xuyên, trính (nhất là gian chính điện và võ qui), được điêu khắc hoa văn "mai, lan, cúc, trúc", "bát bửu", "dây lá", "chữ triện",...Đầu kèo có hoa văn mây, đầu rồng,... Ngoài ra, trong nội thất đình còn được bày trí nhiều hiện vật như hoành phi, câu đối, bao lam, nghi thờ,...được chạm khắc tinh xảo, có niên đại ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.